Giới thiệu chung

Tất cả các hoạt động đào tạo, giáo dục của nhà trường đều nhằm mục tiêu: đào tạo, giáo dục người học thành người có kỹ năng nghề nghiệp, khi ra trường có việc làm, làm việc đạt kết quả cao, có thu nhập tốt và phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực.

Trường THPT Chu Văn An với những sáng tạo mới, niềm tin mới!

          Sự tồn tại và phát triển của một cơ sở giáo dục quyết định bởi chất lượng của sản phẩm giáo dục. Chất lượng đó được khẳng định khi đáp ứng tốt nhất nhu cầu của xã hội ở thời điểm hiện tại và cao hơn là chuẩn bị nguồn nhân lực cho tương lai.Trong hệ thống các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp của tỉnh, trường Cao đẳng Hải Dương là một cơ sở giáo dục chuyên nghiệp có thương hiệu.Thương hiệu được xây dựng trên nền của mục tiêu đào tạo, phương thức đào tạo, giáo dục phương châm giáo dục.Trên cơ sở hiện thực hóa mục tiêu đào tạo bằng các hình thức đào tạo, phương pháp đào tạo mới, sản phẩm giáo dục của nhà trường luôn đáp ứng tối ưu yêu cầu của ngành giáo dục. Tất cả các hoạt động đào tạo, giáo dục của nhà trường đều nhằm mục tiêu: đào tạo, giáo dục người học thành người có kỹ năng nghề nghiệp, khi ra trường có việc làm, làm việc đạt kết quả cao, có thu nhập tốt và phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực. Nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho ngành giáo dục trong tỉnh của nhà trường do Ủy ban nhân dân tỉnh giao phó luôn gắn chặt với mục tiêu giáo dục của các cơ sở giáo dục ở bậc học mầm non và bậc học phổ thông. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, ngành giáo dục đang thực hiện đổi mới “căn bản, toàn diện” theo hướng “hiện đại hóa, công nghiệp hóa, hội nhập khu vực và quốc tế”, đồng thời với việc thực hiện lộ trình tự chủ, nhà trường không thể không tìm một hướng đi mới. Chính sự trăn trở tìm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, giáo dục, đáp ứng yêu cầu xã hội, khẳng định vị thế của cơ sở giáo dục chuyên nghiệp chất lượng cao đã tạo ra bước đột phá.của nhà trường.
Cốt lõi của bước đột phá nằm trong định hướng giáo dục, đào tạo: đào tạo nghề sư phạm cho sinh viên từ thực tế của nghề, nâng cao năng lực giảng dạy, năng lực giáo dục của giảng viên từ trải nghiệm khi trực tiếp làm nghề, kiểm định chất lượng sản phẩm giáo dục qua phản hồi của xã hội trong đó sự hài lòng, niềm tin của các bậc phụ huynh là một tiêu chí quan trọng.
Đặc điểm của bước đột phá là:
          – Quy trình đào tạo nghề sư phạm, nâng cao năng lực nghề nghiệp qua trải nghiêm thực tế giảng dạy và tổ chức các hoạt động giáo dục được nhà trường thực hiện trong khônggian sư phạmkết nối với không gian xã hội trong đó có sự tiếp nhận đa dạng, nhiều chiều.
          – Giảng viên – các nhà sư phạm và sinh viên- người học nghề sư phạm là các “nhân vật trải nghiệm”. Từ trải nghiệm, người dạy được rèn luyện tay nghề, thực sự yêu nghề, gắn bó với học trò. Trách nhiệm của người đào tạo nghề sư phạm được nâng cao khi gắn liền với trách nhiệm đảm bảo chất lượng giáo dục của địa phương trong đó giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chiếm vị trí quan trọng.
          – Sản phẩm giáo dục, đào tạo của nhà trường không chỉ là những người thầy giỏi, có tâm với nghề mà còn là những học trò có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực giải quyết các vấn đề đặt ra trong cuộc sống trên cơ sở tự chủ từ suy nghĩ đến hành động. Bằng phẩm chất, năng lực, có thể làm tốt trách nhiệm với gia đình và cống hiến tốt nhất cho xã hội.    
          Minh chứng cho bước đột phá là sự hình thành các trường thực hành: Trường Mầm non Thực hành Hoa Sen (Tháng 5 năm 2014); Trường Tiểu học Chu Văn An (Tháng 7 năm 2015); Trường THCS Chu Văn An (Tháng 6 năm 2016); Trường THPT Chu Văn An (Tháng 3 năm 2019). Đến nay, trường ra đời đầu tiên đã được 5 năm. Thước đo cho sự phát triển của các trường thực hành là số lượng học sinh, số lớp tăng lên sau mỗi năm học. Năm học 2018-2019, ba trường đã thu hút được hơn 1000 học sinh. Cùng với học sinh, có sự đồng hành của hơn 1000 gia đình phụ huynh. Trong buổi làm việc tại trường Cao đẳng Hải Dương vào tháng 1 năm 2019 với sự tham gia của các đồng chí đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh, các ngành hữu quan, đồng chí Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá cao bước đột phá của nhà trường từ kết quả bước đầu thực hiện mô hình đào tạo nghề sư phạm đáp ứng yêu cầu xã hội qua hệ thống các trường thực hành. Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục- Đào tạo thành phố đã nhận thấy sự hình thành của những ngôi trường trong cơ sở giáo dục chuyên nghiệp có đào tạo ngành sư phạm là một hướng đi đúng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trong tỉnh và đó cũng là giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng giáo viên. Hiện nay, có nhiều cơ sở đào tạo giáo viên trong toàn quốc đề cập đến giải pháp xây dựng trường thực hành trong trường nhưng không phải cơ sở đào tạo giáo viên nào cũng làm được và làm có kết quả. Qua 5 năm hoạt động của trường Mâm non Hoa Sen, 4 năm của trường Tiểu học Chu Văn An, 3 năm của trường THCS Chu Văn An, đa số phụ huynh học sinh đều đồng thuận với nhà trường về quy trình giáo dục, phương pháp giáo dục. Những góp ý của phụ huynh về hạn chế trong quá trình thực hiện các hoạt động giáo dục của các trường thực hành qua mỗi năm học đều nhằm mục đích đạt tới sự hoàn thiện của sản phẩm giáo dục. Đó là tiến bộ của học sinh sau từng năm học, nền tảng để học sinh đạt chuẩn cuối cấp học và tiếp tục học tốt khi chuyển cấp. Các bậc phụ huynh luôn thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và thực sự đồng hành với các mô hình giáo dục mới tại các trường thực hành. Đó là: tăng cường khả năng hội nhập bằng học ngoại ngữ do người nước ngoài trực tiếp giảng dạy; tăng cường khả năng thực hành tin học qua học trực tiếp tại phòng máy, được giới thiệu các phần mềm cập nhật; tăng cường kỹ năng sống qua các loại hình trải nghiệm; phát huy khả năng sáng tạo của học sinh qua tích hợp giữa môn học và hoạt động xã hội; phát triển năng khiếu qua các loại hình câu lạc bộ; chú trọng giáo dục đạo đức cho học sinh bằng sự kiên trì và tận tâm của người thầy…    
          Thành công của 3 trường thực hành, hiệu quả của những mô hình giáo dục mới là cơ sở để Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định thành lập trường THPT Chu Văn An (Quyết định số 928/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2019) thuộc trường Cao đẳng Hải Dương. Trường THPT Chu Văn An không chỉ tiếp nối quy trình giáo dục đã được thực hiện ở các trường thực hành thuộc trường Cao đẳng Hải Dương mà còn nâng cao hiệu quả giáo dục khi kết hợp giữa giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp. Người học không chỉ được hoàn thiện kiến thức phổ thông đạt chuẩn qua 3 năm học mà còn được đào tạo nghề nếu có nhu cầu. Năng lực sư phạm, sự trải nghiệm nghề nghiệp của đội ngũ thầy cô trong nhà trường cùng với điều kiện vật chất vốn có của một cơ sở giáo dục chuyên nghiệp sẽ đảm bảo cho quy trình đào tạo theo hướng phân hóa và phân luồng rõ nét: phân hóa về trình độ, năng lực, phân luồng về nhu cầu, nguyện vọng.Khi được thụ hưởng quy trình giáo dục theo hướng phân hóa và phân luồng, người học sẽ thỏa mãn các nhu cầu: học kiến thức, học nghề trên cơ sở năng lực, nguyện vọng, điều kiện của mình. Sự kết hợp giữa giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 là một trong những sáng tạo mới ở trường THPT Chu Văn An. Tất cả những sáng tạo của tập thể sư phạm trường THPT Chu Văn An là để thực hiện triết lý giáo dục:- Học để trở thành người tự chủ- Học để trở thành công dân Việt Nam
– Học để trở thành công dân toàn cầu          Triết lý giáo dục được chuyển hóa qua các hoạt động giáo dục vừa có điểm chung với các trường THPT trong tỉnh, trong toàn quốc lại vừa có điểm đặc thù bởi đây là ngôi trường do cơ sở giáo dục đào tạo ngành sư phạm xây dựng. Kết quả mới do những sáng tạo mới mang lại sẽ tạo ra niềm tin mới đối với những bậc phụ huynh luôn mong muốn có quy trình giáo dục thiết thực, hiệu quả, phù hợp với con em chuẩn bị bước vào cuộc sống và bước đầu lập nghiệp./.           

Nguồn tin: Cô giáo Vũ Thùy Nga